Siêu âm trị liệu?

Người đăng: Admin | 11/08/2016

Siêu âm,cụm từ không còn xa lạ gì với mỗi con người chúng ta.Vậy âm là gì và được tạo ra từ đâu, siêu âm được sử dụng như thế nào trong y học .Hôm nay, mình và các bạn hiểu rõ thêm về nó thông qua bài viết sau đây nhé.
1. Khái niệm.
Âm là những giao động cơ học của vật chất trong môi trường giãn nở. Tai người có thể nghe được những sóng âm trong phạm vi giải tần từ 20-20.000Hz. Những âm có tần số dưới 20Hz gọi là hạ âm, trên 20.000Hz gọi là siêu âm, hạ âm và siêu âm là 2 vùng âm mà tai người không thể nghe được. Trong điều trị người ta dùng siêu âm có tần số từ 0,7-3MHz, trong chẩn đoán có thể dùng tần số tới 10MHz.
1.1. Nguồn tạo ra siêu âm.
Trong y học siêu âm được tạo ra từ một máy tạo ra dòng điện siêu cao tần. Dòng điện siêu cao tần này được đưa ra đầu phát, nó tác động lên các bản thạch anh hoặc gốm đa tinh thể, các vật liệu này sẽ phát ra sóng âm có tần số bằng tần số của dòng điện.
2. Tác dụng điều trị của siêu âm.
2.1. Tác dụng cơ học:
Tác dụng đầu tiên của siêu âm trong tổ chức là tác dụng cơ học, do sự lan truyền của sóng siêu âm gây nên những thay đổi áp lực tương ứng với tần số siêu âm, tạo nên hiện tượng gọi là “xoa bóp vi thể”. Với tần số càng lớn (3MHz), sự thay đổi áp lực nhanh hơn so với tần số thấp (1MHz). Sự thay đổi áp lực gây ra:
- Thay đổi thể tích tế bào.
- Thay đổi tính thấm màng tế bào.
- Tăng chuyển hóa.
Tác dụng cơ học phụ thuộc vào cường độ siêu âm (W/cm2) và chế độ liên tục hay xung.
2.2. Tác dụng nhiệt:
Sự sinh nhiệt trong tổ chức do tác dụng của siêu âm là do hiện tượng cọ xát chuyển từ năng lượng cơ học sang năng lượng nhiệt. Đối với siêu âm, có thể tác động tới độ sâu 1/2 từ 3-5cm.
Để tăng nhiệt độ mô mềm ở độ sâu trên 8cm, cần dùng siêu âm với cường độ lớn hơn 1,5w/cm2. ở độ sâu dưới 8cm có thể dùng siêu âm cường độ 1w/cm2. Khi nghiên cứu tác dụng sóng ngắn, vi sóng và siêu âm để làm tăng nhiệt độ khớp háng thì thấy chỉ có siêu âm mới có thể làm tăng nhiệt độ tới mức có hiệu lực điều trị.
So với các tác nhân vật lý khác, siêu âm có thể làm tăng nhiệt độ ở mô sâu hơn và phạm vi chống chỉ định hẹp hơn. Siêu âm liên tục 1,5w/cm2 sau 5 phút thấy tổ chức phần mềm tăng 3,30C, bao khớp háng tăng 6,30C, xương tăng 9,30C. Nhiệt độ tăng nhiều tại ranh giới giữa các tổ chức có trị số phản xạ âm khác nhau. Siêu âm liên tục làm tăng nhiệt độ nhiều hơn siêu âm chế độ xung, điều này cần chú ý khi điều trị các tổ chức như khớp, vùng xương gần sát da, vì vậy nên sử dụng siêu âm xung. Với cường độ trên 4w/cm2 có thể dẫn tới hiện tượng tạo lỗ. Cấu trúc tế bào bắt đầu xuất hiện những phá huỷ, có thể gây tổn thương màng xương, sụn khớp.
2.3. Tác dụng sinh học:
Từ tác dụng cơ học và tác dụng sinh nhiệt dẫn đến hàng loạt tác dụng sinh học tạo nên hiệu quả siêu âm điều trị là:
- Tăng tuần hoàn và dinh dưỡng do tăng nhiệt độ, tăng tính thấm của mạch máu và tổ chức.
- Giãn cơ do kích thích trực tiếp của siêu âm lên các thụ cảm thể thần kinh.
- Tăng tính thấm của màng tế bào.
- Kích thích quá trình tái sinh tổ chức.
- Tác dụng lên hệ thần kinh ngoại vi.
- Giảm đau. 
3. Liều điều trị.
Liều điều trị phụ thuộc vào các yếu tố sau:
- Tần số càng cao thì năng lượng càng lớn.
- Cùng một thời gian, nếu chế độ liên tục thì liều sẽ lớn hơn chế độ xung. Chế độ xung có thể tính theo 1:5 (20%) tức là 2ms có siêu âm và 8ms nghỉ.
- Cường độ siêu âm là năng lượng siêu âm truyền qua một đơn vị diện tích môi trường (W/cm2), còn công suất siêu âm là tích của cường độ với diện tích vùng bức xạ có hiệu lực điều trị (W). Ví dụ đầu phát có diện tích 5cm2, công suất phát là 1w/cm2 thì công suất là 5cm2x1w/cm2=5w. Với chế độ liên tục cường độ siêu âm không nên vượt quá 0,6w/cm2. Với chế độ xung, có thể sử dụng các liều:
+ < 0,3 w/cm2 là liều nhẹ.
+ 0,3-1,2 w/cm2 là liều trung bình.
+1,2-3 w/cm2 là liều mạnh.
- Thời gian điều trị càng lâu thì liều càng lớn, tối đa 15 phút tuỳ diện tích và chế độ.
- Đợt điều trị: thường mỗi ngày một lần, các trường hợp mạn tính có thể 2-3 lần mỗi tuần. Trung bình 10-15 lần một đợt.
4. Chỉ định và chống chỉ định.
4.1. Chỉ định:
- Tổn thương xương, khớp và cơ sau chấn thương: bầm tím, bong gân, sai khớp, gãy xương.
- Viêm khớp dạng thấp mãn, thoái khớp, bạnh Bachterew, viêm bao hoạt dịch, viêm cơ.
- Đau thần kinh ngoại vi, đau lưng do thoát vị đĩa đệm...
- Rối loạn tuần hoàn: bệnh Raynaud, Buerger, Sudeck, phù nề.
- Các vết thương, vết loét, sẹo xấu, sẹo lồi.
- Siêu âm dẫn thuốc.
4.2. Chống chỉ định:
- Không điều trị siêu âm các cơ quan dễ tổn thương: mắt, tim, thai nhi, não, tủy, tinh hoàn.
- Không siêu âm vào cột sống ở vùng mới mổ cắt cung sau đốt sống.
- Vùng da mất cảm giác.
- U, viêm tắc tĩnh mạch, viêm nhiễm khuẩn, đái tháo đường, người mang máy tạo nhịp…
5. Thực hành điều trị.
- Siêu âm trực tiếp qua da: đặt đầu siêu âm tiếp xúc với da thông qua một môi trường trung gian để dẫn truyền siêu âm (thường dùng chất gel, dầu, mỡ thuốc, vaselin…).
- Siêu âm qua nước: nước là môi trường truyền âm tốt, nên người ta có thể dùng làm môi trường trung gian truyền âm: cả đầu phát và bộ phận cơ thể đều ngập trong nước, hướng đầu phát vuông góc với da và cách da khoảng 1-5cm. Thường dùng cho những vùng cơ thể lồi lõm dùng kỹ thuật qua da khó khăn như ngón tay, ngón chân, khớp cổ tay, cổ chân…
- Siêu âm dẫn thuốc: siêu âm có hiệu ứng cơ học làm tăng tính thấm của các chất qua màng sinh học, lợi dụng tính chất này người ta pha thuốc vào môi trường trung gian để siêu âm đẩy thuốc vào cơ thể, gọi là siêu âm dẫn thuốc.
Trong thực hành, kỹ thuật phát siêu âm có hai cách:
+ Cố định đầu phát siêu âm: thường dùng với vùng điều trị nhỏ. Chỉ dùng liều thấp <0,3w/cm2 với siêu âm liên tục và 1w/cm2 với siêu âm xung.
+ Di động đầu phát: đầu phát siêu âm được di động chậm theo vòng xoáy, hoặc theo chiều dọc ngang trên vùng da điều trị, luôn đảm bảo đầu phát tiếp xúc với da.

Một số sản phẩm về siêu âm trị liệu http://www.phana.com.vn/may-sieu-am-tri-lieu-b2167938.html

Trích theo lời của BS Mai Trung Dũng.

Thảo luận về chủ đề này
https://www.facebook.com/tbytPhana